“Điều tôi nghĩ và Thực tế là…”: 5 lầm tưởng khi đầu tư Crypto

Với những người mới rơi vào “hang thỏ” tiền điện tử, thế giới này có thể không giống như những gì bạn nghĩ. Dưới đây là 5 lầm tưởng phổ biến.

Khả năng làm giàu

Điều tôi nghĩ: Tiền điện tử sẽ giúp tôi giàu có sau một đêm

Tiền điện tử giúp người ta đổi đời sau một đêm là lời quảng cáo của nhiều KOLs được trả tiền để “shill” những dự án vô nghĩa. Giao dịch và đầu tư tiền điện tử có thể giúp người ta kiếm được nhiều tiền, đặc biệt là vào thời kì đầu, nhưng ngày nay, điều đó hiếm khi xảy ra với người mới bước chân vào thị trường.

Giao dịch tiền điện tử đòi hỏi rất nhiều sự cống hiến, nỗ lực và thành thật mà nói – sự may mắn.

Một số người đã kiếm bộn tiền, nhưng họ thường là ngoại lệ chứ không phải quy luật.

Như Jeremy Cheah, phó giáo sư về tài chính phi tập trung tại Trường Kinh doanh Nottingham, đã nói: “Giao dịch tiền điện tử, giống như tất cả các giao dịch khác, là một trò chơi có tổng bằng 0. Bạn kiếm tiền trên mất mát của người khác”.

Thực tế là: Tiền điện tử không phải là cách làm giàu nhanh

Đầu tư vào tiền điện tử có thể là cách hay để kiếm tiền lâu dài, nhưng nó không phải kế hoạch làm giàu nhanh chóng. Chắc hẳn bạn đã từng nghe những câu chuyện đầu tư với tài khoản x100 lần, nhưng thực tế bạn phải chuẩn bị tinh thần để nắm giữ khoản đầu tư của mình trong thời gian dài và thoải mái chấp nhận tất cả rủi ro đi kèm.

Tiền điện tử là một thị trường rất dễ biến động, giá cả thay đổi liên tục, hoặc như chúng ta thấy trong thời gian gần đây – hoàn toàn rơi xuống vực. Khi tham gia vào thị trường, điều quan trọng là bạn phải tự nghiên cứu tìm hiểu (DYOR), đọc các nguồn thông tin chất lượng và chỉ đầu tư những gì bạn có thể mất.

Tìm hiểu thêm: Cách tự nghiên cứu hiệu quả khi đầu tư Crypto

Độ an toàn

Điều tôi nghĩ: Tiền điện tử rất an toàn

Nhiều người mới nghĩ tiền điện tử an toàn vì dữ liệu trên blockchain không thể bị thay đổi hay giả mạo. Blockchain tạo ra một cơ sở dữ liệu an toàn và được nắm giữ bởi vô số người dùng, thay vì một bên thứ ba duy nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là blockchain miễn nhiễm với những cuộc tấn công phức tạp.

Nhiều người mới cũng cho rằng vì tiền điện tử có thể được lưu trữ trên máy tính, điện thoại, ví ảo hoặc ví cứng, nên nó cũng an toàn như tiền để trong tài khoản ngân hàng. Nhưng sự thật không hoàn toàn đúng như vậy.

Tiền fiat – bất chấp một số bất cập của nó – được ngân hàng bảo hiểm và bảo vệ. Trong khi đó, trừ khi tiền điện tử của bạn được bảo hiểm bởi một bên thứ ba – vốn vô cùng hiếm hoi – nếu không chúng cũng chỉ an toàn tương đương một mật khẩu trực tuyến. Mà hiện nay đối với một số người, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực tế là: Tiền điện tử là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công

Tiền điện tử là mục tiêu của hackers và tội phạm vì trong nhiều trường hợp, ví và khóa của người dùng được kết nối với internet. Vì không có cơ quan thẩm quyền quản lý – một trong những lý do khiến tiền điện tử trở nên rất phổ biến – nên cũng không có ai bảo vệ tiền của người dùng hay bảo đảm cho họ nếu có bất trắc xảy ra.

Hackers có thể và thường xuyên khai thác các “cửa hậu” và lỗi bảo mật chung để trục lợi. Đánh cắp tiền hoặc đột nhập vào sàn giao dịch không phải là hiện tượng hiếm gặp. Cho nên khi giao dịch trong thị trường, hãy cân nhắc xem xét ví hay sàn giao dịch mà bạn định dùng để giữ tiền điện tử trong quá khứ từng bị tấn công chưa hay có cung cấp cơ sở hạ tầng bảo mật tốt không?

Ngoài ra, cũng nên cẩn thận với những nền tảng không rõ nguồn gốc. Sanjay Wadhwani, người sáng lập và CEO của công ty truyền thông blockchain MetaFrames nói:

Các nhà đầu tư đang mắc sai lầm lớn trong cách họ tương tác với blockchain. Họ chia sẻ key của ví giữ tiền và không phải lúc nào cũng hiểu rõ những nền tảng họ đang giao dịch. Điều quan trọng là luôn biết ai đứng sau tiền điện tử hoặc sàn giao dịch mà bạn đang sử dụng”.

Khả năng thay thế tiền pháp định

Điều tôi nghĩ: Tiền điện tử sẽ thay thế tiền fiat

Tiền điện tử còn tương đối mới, trong khi tiền fiat đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Người ta thường cho là Trung Quốc đã phát hành tiền tệ fiat đầu tiên vào khoảng năm 1,000 sau Công nguyên. Để tiền điện tử có thể thay thế tiền fiat, mọi người sẽ phải chấp nhận chúng một cách hàng loạt so với đồng tiền họ đã quen dùng và hiểu rõ từ trước đến nay.

Tuy nhiên, một khi giá trị và sức mua được thiết lập, điều đó có thể xảy ra. Nếu các thương gia bắt đầu để giá bằng tiền điện tử và nhiều người bắt đầu sử dụng chúng để mua hàng hóa và dịch vụ, một xu hướng mới có thể bắt đầu.

Tuy nhiên, các chính phủ và quan chức sẽ không dễ dàng từ bỏ tiền fiat vì họ đã cất công thiết lập hệ thống kiểm soát để thu thuế và tài trợ cho các chương trình và dịch vụ do chính phủ đứng đầu. Nếu không thu thuế, các chương trình xã hội mà mọi người phụ thuộc vào sẽ biến mất, và các nguồn tài trợ khác của chính phủ có thể cạn kiệt.

Thực tế là: Chưa có cách nào để kiểm soát lạm phát trong tiền điện tử

Nếu tiền điện tử có thể thay thế tiền fiat, chưa rõ người ta sẽ tìm cách gì để làm tăng tốc hay chậm lại các xu hướng lạm phát. Có thể mất nhiều thập kỷ để đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Hơn nữa, do bản chất phi tập trung của tiền điện tử, sẽ không có cách nào để kiểm soát lạm phát thông qua các chính sách tiền tệ. Các công cụ hiện đại được các ngân hàng trung ương sử dụng để chống lạm phát và thất nghiệp đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã mất hơn 100 năm để phát triển.

Trong khi đó, công nghệ blockchain và tiền điện tử chưa có bất kỳ công cụ tích hợp nào để tác động đến lạm phát, việc làm hay tăng trưởng kinh tế, nên người ta sẽ cần phải tạo ra các chính sách và công cụ tiền tệ mới. Tính phi tập trung hoàn toàn của tiền thông qua tiền điện tử, vì thế, sẽ có những tác động chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế của một quốc gia.